Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

TÌM HIỂU TỤC MÚA SƯ TỬ CỦA NGƯỜI TÀY – NÙNG XÃ THẠCH ĐẠN - HUYỆN CAO LỘC - TỈNH LẠNG SƠN

TÌM HIỂU TỤC MÚA SƯ TỬ  CỦA NGƯỜI TÀY – NÙNG
XÃ THẠCH ĐẠN - HUYỆN CAO LỘC - TỈNH LẠNG SƠN
Lý Viết Trường - Đỗ Thị Mai Dung
I.                  Mở đầu
1.     Lý do chọn đề tài
Múa Sư Tử dịp đầu năm mới là một trong những nét văn hóa đặc sắc và thu hút được sự quan tâm đông đảo của đồng bào người Tày – Nùng xã Thạch Đạn – huyện Cao Lộc – tỉnh Lạng Sơn.
Nhằm mục đích tìm hiểu để có được những nhận thức đầy đủ và rõ nét hơn về tục múa Sư Tử của người Tày – Nùng nên chúng tôi đã quyết định chọn đề tài “Tục múa của người Tày – Nùng xã Thạch Đạn – huyện Cao Lộc – tỉnh Lạng Sơn” làm đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên.
2.     Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Múa Sư Tử là một hoạt động phổ biến của người Tày – Nùng nhưng số lượng người quan tâm nghiên cứu rất ít, có thể kể ra đây một vài người như: TS. Hoàng Văn Páo có đề cập đến múa Sư Tử trong luận án Tiến Sĩ “Lễ hội Lồng Tồng của người Tày” và sau này xuất bản thành sách chung với tác giả Cao Thị Hải với tên gọi “Lễ hội dân gian dân tộc Tày”, Hà Văn Thư - Hoàng Nam - Vi Hồng Nhân - Vương Toàn với Ai lên Xứ Lạng, Nguyễn Cường - Hoàng Văn Nghiệm với Xứ Lạng văn hóa và du lịch, Hà Đình Thành với “Văn hóa dân gian Tày – Nùng ở Việt Nam”.
Còn vài tác giả khác có đề cập đến đề tài múa Sư Tử như PGS.TS Hoàng Nam với “Dân tộc Nùng ở Việt Nam”, Hà Văn Thư, Lã Văn Lô với “Văn hóa Tày Nùng”, GS Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ với Mùa xuân và phong tục Việt Nam…
Tuy nhiên các bài nghiên cứu ở trên chỉ mới bước đầu tìm hiểu và mang tính giới thiệu nhiều hơn là nghiên cứu chuyên sâu.
3.     Đối tượng, phương pháp và phạm vi nghiên cứu
3.1.         Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu trong đề tài này của chúng tôi là “tìm hiểu tục múa Sư Tử” và những ảnh hưởng của múa Sư Tử - Phụ “đối với người Tày – Nùng Xứ Lạng”.
Khách thể nghiên cứu của đề tài chúng tôi là đồng bào Tày – Nùng Xứ Lạng. Nghĩa là tìm hiểu những tác động qua lại giữa hoạt động múa Sư Tử với cuộc sống của đồng bào Tày – Nùng Xứ Lạng.
3.2.         Phương pháp nghiên cứu
Trong bài nghiên cứu này chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp điền dã kết hợp với tra cứu các tài liệu đã xuất bản làm tài liệu chính. Bên cạnh đó chúng tôi còn sử dụng các phương pháp khác như so sánh, đối chiếu, liệt kê và đặc biệt là miêu tả đối tượng nghiên cứu.
3.3.         Phạm vi nghiên cứu
Không gian nghiên cứu của bài nghiên cứu này chủ yếu được giới hạn ở tộc người Tày – Nùng tỉnh Lạng Sơn.
4.     Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Trong bài nghiên cứu này chúng tôi tập trung đi sâu vào tìm hiểu về hình tượng con Sư Tử trong đời sống văn hóa của người Tày – Nùng xã Thạch Đạn – huyện Cao Lộc – tỉnh Lạng Sơn.
Thông qua việc tìm hiểu đó chúng tôi đánh giá mối liên quan của con Sư Tử đối với đời sống vật chất và tinh thần của người Tày – Nùng xã Thạch Đạn – huyện Cao Lộc – tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời chúng tôi cũng tìm hiểu xem xu hướng biến đổi của hình tượng con Sư Tử qua đó có cái nhìn toàn diện hơn về chủ đề này.
Tuy nhiên như tên đề tài đã nói, đây mới chỉ là bước đầu tìm hiểu nên đề tài chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót.
5.     Nguồn tư liệu
Nguồn tư liệu chủ yếu để viết bài nghiên cứu này là điền dã, tư liệu địa phương thu thập được thông qua khảo sát thực tế.
Ngoài ra chúng tôi cũng thừa hưởng một số thành quả nghiên cứu dù còn sơ khai của Lã Văn Lô, Hà Văn Thư, TS Hoàng Văn Páo, PGS Hoàng Nam và một số bài báo đăng trên báo Lạng Sơn và các trang mạng.
II.               Nội dung
1.     Vài nét sơ lược về xã Thạch Đạn – huyện Cao Lộc – tỉnh Lạng Sơn và tộc người Tày – Nùng
1.1.         Vài nét sơ lược về xã Thạch Đạn – huyện Cao Lộc – tỉnh Lạng Sơn
1.1.1.  Lịch sử hình thành
Thời Hùng Vương, vùng đất này có tên gọi là Lục Hải (tức Lục Châu, tên châu thời Đường, miền Quảng Ninh ngày nay), trải qua bao biến cố lịch sử, tên gọi cũng thay đổi theo thời gian.
Đến thời Đinh – tiền Lê trở đi thì trên bản đồ đã thấy ghi Lạng Sơn.
Đến cuối đời Trần, sử có chép ghi lại tên gọi Lạng Sơn là lộ Lạng Sơn còn tài liệu Trung Quốc chép thời thuộc Minh có trấn Lạng Sơn.
Đến đời Lê – Nguyễn, đất nước được chia làm các đạo thừa tuyên. Lạng Sơn có 1 phủ, 6 châu.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) chính thức có tên gọi tỉnh Lạng Sơn[1].
1.1.2.  Vị trí địa lý.
Xã Thạch đạn thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, xã có diện tích 35,3 km2, dân số năm 1999 là 2847 người, mật độ dân số 81 người/km2.
Lạng Sơn có diện tích 8.320,2 km2 (năm 2011) số dân là 741.200 người (năm 2011), mật độ 89 người/km2.
Gồm 1 thành phố và 10 huyện, 226 đơn vị hành chính cấp xã, 207 xã, 5 phường và 14 thị trấn.
Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng: 55 km, Phía đông bắc giáp Sùng Tả (Quảng Tây,Trung Quốc): 253 km, Phía nam giáp tỉnh Bắc Giang: 148 km, Phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh: 48 km, Phía tây giáp tỉnh Bắc Kạn: 73 km, Phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên: 60 km.
1.1.3.  Vài nét về văn hóa Xứ Lạng.
Xứ Lạng – Lạng Sơn là xứ địa đầu đón nhận những trận gió rét của mùa đông khốc liệt để hoa đào mùa xuân nở thắm, núi non trùng điệp, ruộng đồng ít ỏi, đá sỏi cằn cỗi.
Nói đến văn hóa Lạng Sơn là người ta nhắc đến lễ hội Lồng tồng, những vần sli, câu then của những chàng trai, cô gái người Tày – Nùng trong những sắc áo thổ cẩm và chiếc khăn piêu thiêu tay rực rỡ.
Nói đến Xứ Lạng là nói đến sự hòa quyện của 7 tộc người Tày, Nùng, Dao… cùng chung sống ngàn đời trên mảnh đất này. Họ đã góp phần dựng nên một mảnh đất đa sắc màu, đa văn hóa.
Nói đến văn hóa Lạng Sơn là nói đến động, chùa Tam Thanh, Nhị Thanh, Tam Giáo, chùa Thành, Bắc Nga, Kỳ Cùng, đền Tả Phủ, đền Bắc Lệ, đền Đồng Đăng…
Từng ngôi nhà trình tường, từng điệu hát dân ca… đều phản ánh sự tài hoa, ý chí kiên cường, sáng tạo của người Xứ Lạng. Những nét đẹp đó đã góp phần tạo nên một nền văn hóa Xứ Lạng đạm đà bản sắc.
1.2.         Vài nét tổng quan về tộc người Tày – Nùng
Tày và Nùng là hai tộc người nói ngôn ngữ thuộc nhóm Tày – Thái ở Việt Nam. Thuộc nhóm ngôn ngữ này ngoài Tày, Thái còn có các tộc người khác như: Nùng, Giáy, Sán Chay, Bố Y, Lào, Lự… Người ta chia nhóm ngôn ngữ Tày – Thái thành hai tiểu nhóm là Tiểu nhóm Thái gần gũi với các tộc thuộc ngành thài chung ở phía tây và tiểu nhóm Tày gần với tộc thuộc ngành Choang chung ở phía đông. Trong tiểu nhóm Tày thì tộc Tày và Nùng là các tộc người có số dân đông nhất so với các tộc khác cùng nhóm.
Người Tày và Nùng có số dân đông nhất trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, theo tài liệu thống kê năm 2009, số lượng người Tày là 1.626.392 người (đông thứ hai sau tộc người Kinh), chiếm vị chí đông nhất, người Nùng là 968.800 người (đứng thứ 6 sau trong số các tộc người thiểu số), Lạng Sơn là tỉnh có đông người Nùng sống nhất Việt Nam[2].
Người Tày – Nùng sống chủ yếu ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái và ngoài ra còn có một số ít bộ phận nhỏ sống ở các tỉnh khác như Quảng Ninh, Bắc Giang, đặc biệt sau 1975, số lượng người Tày – Nùng di cư vào phía Nam trên địa bàn các tỉnh như Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận. Theo số lượng thống kê năm 1989, số người Tày – Nùng ở Tây Nguyên và vùng phụ cận đã lên đến vài chục ngàn người.
Tày là tên gọi lâu đời có nguồn gốc chung với tên gọi của nhiều tộc thuộc nhóm Thái – Choang ở Nam Trung Quốc và Đông Nam Á như: Tai, Tay, Táy, Thai… đều có nghĩa là người. Người Tày ở Việt Nam còn có tên gọi là Thổ, nghĩa là người sống lâu đời ở vùng đất này nên người đến sau gọi là Thổ, tuy nhiên nước ta cũng có nhiều cư dân bản địa được gọi là người Thổ.
Tộc danh Nùng có thể có thể có tên từ tên một dòng họ Nùng có thế lực ở vùng Tả Giang và Hữu Giang (Quảng Tây, thời Đường).
Người Tày ít có sự phân biệt giữa các nhóm địa phương còn người Nùng thì điều này rất nổi bật, hiện nay người ta chia nhóm người Nùng thành hai loại:
§  Loại tên gọi căn cứ vào đặc trưng trang phục thường do những người làng giềng gọi họ như: Nùng Khen Lài (người Nùng áo có các khoanh vải màu), Nùng Hua Lài (người Nùng đội khăn chàm có đốm trắng), Nùng Slử Tỉn (người Nùng mặc áo ngắn chấm mông)…
§  Loại tên gọi theo địa danh, nơi họ sinh sống trước khi di cư tới Việt Nam, như: Nùng An (châu An Kết), Nùng Inh (châu Long Anh), Nùng Phàn Slình (châu Vạn Thành), Nùng Quý Rịn (từ Quy Thuận), Nùng Lòi (châu Hạ Lôi)… ngoài ra còn có các tên gọi khác mà tới nay khoa học chưa xác định được nguồn gốc như: Nùng Dín, Nùng Xuồng, Nùng Tùng Xin, Nùng Viền, Nùng Chủ….
Khi nói về nguồn gốc của người Tày – Nùng người ta thường nhắc đến những giai đoạn lịch sử xa xôi, các truyền thuyết như “Pú Lương Quân”, “Cẩu chúa cheng vua”… rõ ràng người Tày và người Nùng cổ đã hòa nhập với người Việt Cổ để hình thành người Việt hiện đại và cũng có giai đoạn người Việt bị Tày – Nùng hóa, rõ ràng thời kỳ nhà Mạc thất thủ chạy lên biên giới phía bắc và biến thành người Tày – Nùng.
Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng đại bộ phận người Nùng hiện nay đều mới di cư từ Trung Quốc sang cách ngày nay khoảng hai trăm năm. Bởi vì đại bộ phận những người Nùng di cư sang Việt Nam từ sớm đã bị Tày hóa, theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn vào thế kỷ XVIII, người Nùng từ 12 thổ châu ở Trung Quốc sang vùng Tuyên Quang mà hiện nay ở Tuyên Quang chỉ còn rất ít người Nùng, khoảng 1200 người. Trong trí nhớ của những người già, họ vẫn còn nhớ tổ tiên họ là người Nùng Choáng, Nùng Phủ.
Hai tộc người Tày, Nùng có quan hệ mật thiết, sống xem cài với nhau, giao lưu văn hóa với nhau nên hiện nay nhiều nơi để phân biệt giữa văn hóa Tày và Nùng rất khó.
2.     Tục múa sư tử
2.1.         Nguồn gốc và tên gọi
Theo nhiều tài liệu thì phần đa người Nùng ở Việt Nam vừa từ Trung Quốc di cư vào Việt Nam được hơn 200 năm. Vì vậy chúng tôi cho rằng nguồn gốc tục múa sư tử là ở bên Trung Quốc và được người Nùng mang theo khi di cư sang Việt Nam, tuổi đời các con sư tử Việt Nam cũng vì thế chỉ khoảng hơn 200 năm.
Cũng theo cụ Lý Văn Ỏn thì nguồn gốc Sư Tử có lẽ được du nhập từ Trung Quốc, bởi lẽ bên Trung Quốc múa Sư Tử rất phổ biến và từ xưa đến nay người ta thường mua đầu Sư Tử, các vật dụng gõ như Trống, chiêng, mõ, não ở bên Trung Quốc. Bởi lẽ bên Trung Quốc các vật dụng này chất lượng thường tốt hơn bên Việt Nam sản xuất và bên đó giá thành cũng rẻ hơn.
Múa Sư Tử cũng có nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tộc người có một tên gọi khác nhau:
Người Nùng Phàn Slình gọi múa Sư Tử là con “Phụ” hay “Lòng Phụ”.
Người Tày gọi là con “Kỳ Lằn” hay múa “Kỳ Lằn”.
Tiếng việt gọi là con Sư Tử hay múa Sư Tử.
2.2.         Quy trình làm Sư Tử (quy trình làm Phụ)
2.2.1.  Đầu Sư Tử (đầu Phụ)
Ngày xưa người ta thường mua đầu Sư Tử ở bên Quảng Đông - Trung Quốc, bởi vì lúc đó ở đầu Phụ ở Việt Nam chất lượng không tốt và không đẹp bằng bên Trung Quốc họ sản xuất.
Ngày nay người ta đầu Sư tử mua ngay ở Việt Nam (ở Lạng Sơn hiện nay có bán). Ngày xưa người ta thường nói bên Trung Quốc chất lượng tốt hơn mua bên Việt Nam nhưng mấy năm gần đây chất lượng ở bên Việt Nam cũng đã cải thiện hơn về chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
Đầu Sư tử được làm bằng đất sét nặn và nung qua lửa rồi sau đó dùng sơn trang trí sặc sỡ với các màu xanh, đổ, đen, vàng, trắng, hồng, tím… trông rất hung dữ. Đầu Sư tử hình tròn giống chiếc nón vành rộng, đường kính khoảng 50 cm, có mắt to, mũi to, mồm rộng, tai nhỏ và chếch ra phía đằng sau, có râu bằng vải đỏ, có long mày, có 3 chiếc sừng, có lưỡi và long mép… Phía trong đầu có 2 thanh ngang làm bằng gỗ để tay cầm khi múa. Đầu sư tử thường nhẹ để dễ dàng điều khiển khi múa, dịp thường khi không múa sư tử người ta cất giữ cẩn thận trên gác.
2.2.2.  Cổ Sư Tử (cổ Phụ)
Cổ Sư Tử thường được làm từ 3 hay 4 mảnh vải khâu lại với nhau, mỗi mảnh khoảng 10cm và trên cổ Sư Tử người ta thường gắn vào một hàng len, dài khoảng hơn 10cm thường là màu xanh để tăng thêm nét đẹp và sự uyển chuyển cho con sư tử khi nó múa.
Nhìn vào cổ con Sư Tử người ta có thể phân biệt được đó là con Sư Tử già hay trẻ, Sư Tử già là Sư Tử có thâm niên lâu đời trong nghề múa và thường múa giỏi còn sư tử trẻ thì ngược lại. Con Sư Tử già ở cổ sẽ được trang trí một lớp vải đen ở cổ và có nhiều tua len xanh, con nào có lớp vải đen ở cổ sẽ được các con khác kính nể và được coi là Sư Tử cấp cao. Con Sư Tử trẻ thường ở cổ sẽ được trang trí màu xanh.
2.2.3.  Thân Sư Tử (thân Phụ)
Vải được mua ở chợ, vải mua nhiều loại, mỗi loại sẽ mua khoảng 20 cm, vải thường được chọn là vải có màu sắc sặc sỡ, thường là màu xanh, đỏ, tím,vàng, màu hoa… và màu đen.
Sau khi mua vải về, những người khéo tay sẽ được giao nhiệm vụ khâu lại thành thân sư tử, mỗi lớp dài khoảng 10 cm.
Rìa phía dưới mảnh vải được cắt thành hình lưỡi liềm, bên trong bụng có một sợi dây gắn với thân Sư Tử và được dắt ở cổ người múa nhằm mục đích giữ con Sư Tử luôn gắn vào người khi múa.
Con Sư Tử thường dài từ 1m50 trở lên đến gần 2m.
2.3.         Các vật dụng kèm theo con sư tử
2.3.1.  Báo Đông (đười ươi)
Con Báo Đông được làm bằng giấy hoặc đất sét và sơn thành hình rất quái dị. Con này chỉ có đầu và cổ kéo dài, chụp vào đầu người khi chơi. Nó giống kiểu đeo mặt nạ.
2.3.2.  Mặt khỉ (nả lình)
Làm bằng giấy hoặc nhựa và được tô sơn giống mặt khỉ. Con này được đeo vào mặt trong chơi trong lúc diễn.
2.3.3.  Sư tử con (Phụ lục)
Cũng giống như Sư Tử mẹ nhưng nhỏ hơn và ở cổ được may vải xanh, do người nhỏ tuổi múa. Có nơi thay Sư Tử con bằng hình con Cáo (tua hân).
2.3.4.  Trống (choong)
Trống có hai loại, loại thon dài và loại hình tròn mỏng.
Thân trống được làm từ gỗ mít hoặc các loại gỗ khác nhưng cần phải bền và chịu được mưa, nắng.
Hai đầu trống được bọc bằng da bò, hươu hoặc da ngựa.
Xung quang người ta dùng gỗ móc già làm đinh để đóng vào mảnh tre nhỏ làm nêm nhằm giữ cho mặt trống luôn căng.
Hai dùi trống được làm bằng gỗ để trần hoặc bịt bằng cao su. Trống có thể đánh được cả hai mặt và rất bền.
2.3.5.  Chiêng (là)
Được đúc bằng đồng thau, có pha chút vàng, khi gõ có độ vang và rền. Chiêng có nhiều loại nhưng người ta dùng chiêng có núm hoặc chiêng bằng.
Cơ bản chiêng múa Sư Tử giống chiêng của đồng bào Tây Nguyên dùng trong nghi lễ Cồng Chiêng Tây Nguyên.
Chiêng là vật dụng gõ chỉ đạo, khi chiêng gõ mạnh, nhanh thì con Sư Tử sẽ múa mạnh và tung hứng theo tiếng chiêng và ngược lại.
2.3.6.  Chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả)
Được làm bằng đồng thau, có hai mảnh, mỗi mảnh đều có núm cầm để đập vào nhau và tạo ra âm thanh nghe rộn rã.
2.3.7.  Bộ võ
Bộ võ gồm có gậy, đoản kiếm, đinh ba, dao nhọn.
Bộ võ chủ yếu làm từ gỗ và đầu được bịt sắt, trừ kiếm là làm bằng sắt. đinh ba, dao nhọn được làm bằng sắt và gắn vào cây gậy.
2.4.         Người múa sư tử
Người múa sư tử không quy định lứa tuổi, tất cả mọi người chỉ cần đam mê, nhiệt tình và có sức khỏe đều có thể tham gia múa sư tử. “Trung bình mỗi đội múa sư tử có khoảng 15, 16 thành viên, trong đó có một thày dạy võ (lạo slay), một ngoại giao viên (tong cha), thày dạy võ có nhiệm vụ hướng dẫn việc múa sư tử, dạy võ cho hội viên, đi lên rừng hái thuốc để hội viên ngâm rượu để uống hoặc xoa bóp cho rắn cơ, hoặc chưa cho thành viên khi tập võ, thi đấu bị thương tích”[3]. Thày dạy võ là người giỏi võ công, biết các phương thuốc còn ngoại giao viên thì chịu trách nhiệm với bên ngoài, mời sư tử bạn và chịu trách nhiệm trong việc chi tiêu.
Những người Tày, Nùng từ khi sinh ra đến khi mất đi họ đều gắn bó suốt đời mình với tục múa sư tử. Thường thì những đứa trẻ con sẽ theo người lớn đi tập, không quy định về lứa tuổi, có những đứa trẻ 5,6 tuổi đã theo anh, theo cha ra bãi đất trống đầu hoặc cuối làng để tập múa sư tử. Họ múa sư tử suốt đời đến khi nào không còn múa được nữa thì vẫn đi xem sư tử, dạy võ, dạy kỹ thuật múa sư tử, kỹ thuật đánh chiêng, chống, chũm chọe… cho con em trong làng.
Nhiều nơi trước tết khoảng một hoặc hai tháng khi công việc đồng áng đã xong, người người nông nhàn thì bà con lại rủ nhau mang sư tử ra tập luyện. Những âm thanh rộn ràng của chiêng, trống, chũm chọe góp phần xua đi cái lạnh lẽo của những ngày mùa đông lạnh giá Xứ Lạng.
Những buổi tập luyện này thường thu hút đông đảo người trong làng, bản đến xem như: già, trẻ, trai, gái… có thể nói rằng bằng những buổi tập này mà tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết giữa người với càng thêm gắn bó.
Những người múa sư tử thường sẽ được cả làng kính trọng bởi vì những người múa sư tử thường rất giỏi võ và khéo léo. Người Tày, Nùng có lưu truyền câu “Báo phụ day lai tò là cảu va tàu” (trai múa sư tử đẹp lắm nhưng chỉ là ăn máy thôi) để miêu tả những người tham gia múa sư tử.
Người chỉ huy phụ (tàu phụ), thường là người có uy tín, giỏi võ công và tháo vát, giỏi quản lý chung. Những người giữ chức chỉ huy sẽ giữ tiền và giỏi chi tiêu, có tài giao tiếp, họ thường sẽ được mọi người xung quanh kính nể.
Múa sư tử thường không có con gái mà chỉ có con trai tham gia, thoạt đấu chúng tôi nghĩ rằng có lẽ đây là ảnh hưởng của tư tưởng “Trọng nam khinh nữ” chăng, nhưng không ở đây hoàn toàn không có tư tưởng trọng nam kinh nữ. Múa sư tử chỉ có con trai tham gia là vì những động tác múa sư tử cần sức khỏe, sự nhanh nhẹn và nguy hiểm nên thường sẽ chỉ có con trai múa sư tử.
Tuy nhiên cũng có những nơi con gái tham gia vào việc múa võ (oọc quyền). Con gái luyện võ để phòng thân, để rèn luyện sức khỏe và để biểu diễn trong các dịp hội lồng tồng.
2.5.         Sư tử thường múa trong các dịp lễ
2.5.1.  Múa ở miếu (thó tỳ)
Miếu thổ thần tọa lạc ở một nơi bên trong bản hay bên cạnh khóm rừng, cánh rừng, rừng thiêng. Có nơi miếu thổ thần được gọi là Thó tỳ (thổ địa), có nơi như ở Tràng Định gọi là Cốc bản (già bản, gốc bản), thờ người đầu tiên đến khai khẩn, lập ra ngôi làng đó.
Khi muốn múa Sư tử thì con sư tử phải đến trình diện Thành hoàng làng, đình, miếu để xin phép, người Tày – Nùng quan niệm rằng nếu không trình diện và xin phép thì thổ công, thổ địa sẽ phạt vạ.
Khi đến trước sân đình, sư tử múa ngẩng cao đầu, lúc cúi thấp tỏ ra huân hoan khi được đến thăm chúc mừng năm mới thần. Khi vào trong đình sư tử phải cúi thấp, đi khom, có lúc đi bằng khuỷu tay từ trái sang phải, từ trên xuống dưới rồi múa dật lùi từ trong ra ngoài. Khi ra khỏi cửa, sư tử ngẩng cao đầu và hạ xuống ba lần báo hiệu đã chào thần xong.
Tục múa sư tử ở thành hoàng làng, đình, miếu thể hiện sự tôn thờ thần thánh, niềm tin của người Tày – Nùng vào sự trở che của thần, thánh. Cũng có nơi miếu, thó tì thờ thổ địa hay thờ “cốc bản”, vì vậy khi muốn múa sư tử họ phải lên miếu, thó xin phép cũng là thể hiện sự biết ơn đối với những người đã khai lập nên làng, bản đó.
2.5.2.  Đến chúc mừng năm mới các nhà trong làng (pai hờn, pái lờn)
Đầu năm mới vào ngày mùng 1 hay mùng 2 tết âm lịch tùy từng địa phương, đồng bào Tày – Nùng Lạng Sơn thường mời các đội múa Sư Tử vào nhà mình múa với quan niệm năm mới Sư Tử xuất hiện sẽ gặp nhiều may mắn và xua đuổi tà ma, diệt mọi ôn địch, biểu hiện sự thái bình và niềm tin vào một năm mới sung túc.
Sư tử múa từ ngoài sân vào trong nhà, Sư tử tiến từ từ vào lạy bàn thờ tổ tiên, múa quanh bàn thờ, múa quanh cột nhà, múa khắp nhà.  Sư tử khi vào nhà chúc Tết, trước hết con sư tử phải liếm (lì) hai cái cột cổng. Khi vào trong cúi lạy, ít nhất phải cúi lạy 3 lần trước bàn thờ tổ tiên, sau đó sẽ liếm bàn thờ tổ tiên. Sở dĩ phải liếm cột cổng vì theo dân gian quan niệm: Cánh cổng có ma tà hay có cái gì bẩn thỉu ám vào, sư tử dùng hành động này xua đi. Tiếp đó sư tử phải múa tượng trưng cho hành động liếm các góc bàn thờ, xua đuổi ma tà. Động tác liếm là dùng tay múa, đưa đi đưa lại. Thông thường con Sư tử sẽ được chủ nhà lì xì, rượu và “ka hoòng”. Sau đó con Sư tử sẽ cúi rạp xuống đất và từ từ lùi ra một cách nhẹ nhàng, người ta quan niệm rằng nếu Sư tử mà quay lưng vào bàn thờ tổ tiên thì sẽ bị tổ tiên chủ nhà phạt vạ.
Tuy nhiên cũng có nhà chỉ cho Sư tử múa trong sân thôi vì tổ tiên họ kỵ Sư tử. Tuy nhiên thường thì họ vẫn lì xì cho con Sư tử.
Ngày xưa lì xì thường chỉ từ vài nghìn đến chục nghìn tùy vào từng địa phương. Lì xì chủ yếu mang yếu tố văn hóa là chính chứ không nặng về kinh tế.
Tục này cũng thể hiện lòng đoàn kết của đồng bào Tày, Nùng Lạng Sơn, sư tử đi mọi nhà không hề phân biệt nhà đó giàu hay nghèo, cao sang hay quyền quý. Điều đó đã phần nào đóng góp và nói lên nét đẹp văn hóa của đồng bào Tày, Nùng.
2.5.3.  Múa tại hội lồng tồng
Ở bất cứ hội lồng tồng nào thì mục múa Sư tử bao giờ cũng được chia thành hai phần chủ yếu: Múa sư tử và múa võ (ọc quyền).
Thông thường hội lồng tồng nào cũng đều có từ vài con Sư Tử đến múa và giao lưu tranh tài cùng. Một số nơi Sư tử nào đến hội trước sẽ được gọi là sư tử đàn anh và sẽ chủ trì buổi biểu diễn.
Người ta chia múa sư tử ở hội lồng tồng thành 5 phần khác nhau, đó là:
         Thứ nhất: điệu múa chào khán giả
         Thứ hai: điệu múa chào thần thánh
         Thứ ba: điệu múa vui hội
         Thứ tư: điệu múa sư tử đẻ con
         Thứ năm: điệu múa săn sư tử
Cụ thể:
Thứ nhất: điệu múa chào sư tử bạn
 Khi con sư tử bạn đến, con sư tử nhà sẽ ra đón, hai con vờn nhau rất uyển chuyển, con sư tử lúc chồm lên cao lúc lại phục xuống thấp, cùng với đó là tiếng chiêng, trống nổi lên ầm ĩ vang cả một góc trời.
Sư tử vờn nhau thực chất là họ đang tỉ thí võ thuật, họ vừa múa vừa dùng các thế võ để hạ gục đối thủ. Cho nên khi đón Sư Tử bạn phải chọn người có võ thuật cao để ra đón, nếu không sẽ bị đối phương hạ gục. Con Sư Tử nhà đi thấp bao nhiêu thì Sư Tử bạn phải đi thấp bấy nhiêu, theo thông lệ thì Sư Tử bạn bao giờ cũng chịu thua, nhưng nếu gặp con Sư Tử chủ nhà võ công quá thấp thì Sư Tử bạn sẽ đánh cho vỡ trận.
Sau khi múa xong màn chào nhau và trình thành hoàng làng các con Sư Tử đi vòng quanh chào khán giả, động tác vừa uyển chuyển vừa nhẹ nhàng.
Thứ hai: điệu múa chào thần thánh
Đầu tiên người múa Sư Tử phải chào Thần thánh. Điệu múa này bắt buộc đối với hoạt động nhảy múa của Sư Tử. Khi tiếng chiêng, tiếng trống vang lên Sư Tử bắt đầu múa. Tất cả Sư Tử đồng loạt ngẩng cao đầu, dùng hai tay xoay tròn, đầu lúc nghiêng phải, lúc nghiêng trái, lúc cúi xuống trông rực rỡ rất đẹp màu. Màn chào thần thánh thường diễn ra khoảng 30 phút.
Thứ ba: điệu múa vui hội
Các đội múa Sư Tử bắt đầu thể hiện tài nghệ của mình, múa Sư Tử thực chất là múa võ, người múa võ phải thực hiện các bài quyền, các điệu múa được biến thể từ các điệu võ cổ truyền dân tộc. Sư Tử - Võ thuật, một công thức, một tương quan tỷ lệ thuận.
Động tác “ka hoòng” được một người giỏi võ trong đội thực hiện. Trong hội mỗi đội sẽ  thực hiện bài quyền và tiến tới con Sư tử nắm lấy cằm con Sư tử và dùng sức mạnh giữ đầu con Sư tử lại rồi buộc mảnh vải hồng vào cằm con Sư tử (để dài xuống kiểu râu Sư tử), sau đó lại ra quyền để lùi về. Trong lúc “Ka hòng” chiêng, trống, xũm xọa gõ mạnh dồn dập với tiết tấu nhanh.
Động tác “Hỏi slử” vừa múa vừa dùng đầu gối đẩy nhau, con nào bị lệch gối bật ra, lùi về sau hay ngã thì sẽ bị thua. Có những cuộc tỷ thí giữa hai con Sư tử lên đến 5 hiệp mà không phân chia thắng bại. Do vậy muốn thắng người múa cần phải giỏi võ, dai sức và khéo lẽo.
Sau khi sư tử múa khoảng một giờ thì báo đông xuất hiện và thực hiện các động tác múa vui với sư tử. Báo đông thường dùng cành cây để dọa sư tử hoặc đuổi bắt, đè đầu cưỡi cổ và đấm đá sư tử… sau đó sư tử lại cau có, tức giận tấn công lại báo đông. Những trò diễn của báo đông và sư tử tạo nên một không khó vui tươi và những trận cười sảng khoái cho khán giả.
Sau khi báo đông diễn được một lúc thì con khỉ (lình) vào góp vui cùng, thông thường mỗi đội có hai con khỉ. Các trò diễn của khỉ đều chịu sự chỉ đạo của báo đông. Báo đông dạy khỉ tập đi thẳng toàn thân, đi nghiêng, đi sang phải, sang trái… khi khỉ đã thuần thực các động tác múa thì báo đông dẫn khí đến cùng vui với sư tử. Báo đông với khỉ cùng chọc ghẹo sư tử, đuổi đánh sư tử, ngược lại sư tử sẽ thực hiện các động tác chồm lên bắt mồi, vồ mồi… nhưng báo đông và khỉ cũng rất nhanh sẽ dùng các miếng võ đánh lại hoặc tránh né.
Trong phần này người múa sư tử cùng người tham gia đóng giả báo đông và khỉ phải có sức khỏe dẻo dai và có võ công để thực hiện những miếng đánh và tránh khi bị tấn công. Chính vì sự vui nhộn và phô trương võ thuật này mà hội múa sư tử thu hút được đông đảo người xem.
Thứ tư: điệu múa sư tử đẻ con
Các con sư tử âu yếm nhau và thực hiện các động tác ân ái tượng trưng rồi sau đó sẽ có một người cầm đầu sư tử con chui vào đuôi sư tử mẹ. Sư tử mẹ lúc này múa lặc lè, nhẹ nhàng tựa như đang mang thai, sau đó sư tử con được sinh ra. Sauk hi sư tử con ra đời sư tử mẹ dạy cho những động tác múa đầu tiên, lúc này sư tử con múa những động tác yếu đuối giống trẻ con tập đi, sư tử mẹ sẽ múa những động tác âu yếm săn sóc, nuôi dưỡng sư tử con. Sau đó ít lâu thì hai mẹ con cùng múa nhịp nhàng, uyển chuyển thể hiện sự trưởng thành của sư tử con.
Thứ năm: điệu múa săn sư tử
Một người trong đội múa sư tử cầm đoản đao cùng những người đeo mặt nạ khỉ, báo đông đuổi đánh sư tử vòng quanh sân múa. Lúc này tiếng chiêng, tiếng chống tiếng chũm chọe vang lên dồn dập, tiếng người hò reo như đang đánh trận. Lúc này sư tử thể hiện các thế võ để vừa múa vừa tránh đòn vừa vồ mồi một cách nhanh và mạnh. Nhưng sau đó thì sư tử cũng bị bắt, thợ săn cùng báo đông và khỉ dùng gậy buộc chéo nhau và lùa sư tử vào chòng. Sau khi sư tử đã kiệt sức đoàn thợ săn đè đầu sư tử ra rồi chặt cổ sư tử và ăn mừng chiến thắng. Điệu múa sư tử là điệu múa hay nhất, xứng đáng là tinh hoa văn hóa dân gian Tày, Nùng.
Điệu múa săn sư tử thể hiện sức mạnh chinh phục tự nhiên của người Tày, Nùng. Sư tử là chúa sơn lâm là vua của muôn loài nhưng bằng sức mạnh, bản lĩnh và chí thông minh của mình đồng bào vẫn có thể chinh phục được sư tử.
Múa võ (oóc quyền)
Sau khi múa sư tử xong người ta chuyển sang múa võ với các dụng cụ: gậy, đoản đảo, sam sa… và múa võ bằng tay không.
Múa tay không: Là điệu múa mở đầu và cũng là điệu múa chào thần thánh. Múa võ bằng tay không được đẹm bằng tiếng chiêng, trống, chũm chọe.
Múa gậy: người múa dùng gậy làm vũ khí, người múa thực hiện những đường múa uyển chuyển và tấn công nhau, tiếng đầu gậy va vào nhau nghe chan chát rất kịch tính nhưng cũng rất chính xác, an toàn cho người biểu diễn. Đội hình múa sư tử diễn ra theo thứ tự:
         Hai người múa
         Bốn người múa
         Sáu người múa
         Tám người múa
Múa đoản đảo: thường là múa đơn hoặc múa đôi. Ở động tác này không mang tính chất đối kháng mà chỉ mang tính chất biểu diễn là chính, những động tác nhanh, đẹp và vô cùng uyển chuyển… đã tạo nên cảm giác vô cùng phấn khích cho người xem.
Múa slam sla, xa (múa đinh ba chạc): một thế võ vừa có tiến công vừa có phòng thủ, những động tác nhào lộn hoặc xoay tròn tạo thế phòng thủ hoặc tiến công trên vũ trường. Các động tác diễn ra nhanh nhẹn, linh hoạt khiến cho người xem vô cùng thán phục.
2.6.         Các trò diễn
2.6.1.  Nhảy bàn (dết xoòng)
Người ta đặt ở giữa sân chơi một cái bàn gỗ (xoòng tài) vuông và kê chắc chắn. Khi chơi họ đặt một tay lên góc bàn và nhảy tung người bay qua góc bàn, hai tay trống xuống hai góc bàn, toàn thân tạo thành thế song song với mặt bàn, vẫn với tư thế như vậy, họ chuyển tay sang tư thế góc khác. Người chơi giỏi có thể nhảy qua nhảy lại đôi ba lần rồi mới nhảy xuống đất một cách nhẹ nhàng. Người chơi trò này cần có sức khỏe, khéo léo và được luyện tập cẩn thận, nếu không mắt cá chân sẽ bị góc bàn va vào góc bàn gây ra chấn thương.
2.6.2.  Nhảy qua vòng tẹm (ống cót)
Người ta lấy một tấm cót với chiếu dài đủ để khi cuộn tròn lại có đường kính một mét, đặt trên một khung gỗ được đóng chắc chắn. Khi nhảy, người nhảy phải chạy lấy đà, hai tay giơ ra đằng trước, toàn thâm lao qua ống cót sang bên kia. Khi rơi, đầu phải gập lại, toàn thân cuộn tròn để làm sao khi tiếp đất bừng đôi bàn chân chứ không phải bằng đầu hoặc mình. Chỗ rơi thường là chỗ ruộng mềm hoặc chỗ cát.
2.6.3.  Nhảy qua vòng phảy (vòng lửa)
Vòng lửa được kết bằng một sợi dây được cuốn bằng vải tẩm dầu sau đó châm lửa đốt. Người ta chạy lấy đà rồi nhảy toàn thân qua vòng lửa và cuộn sang bên kia trong tư thế không ngã.
2.6.4.  Nhảy qua cửa dao (quá tu pạ)
Đây là tiết mục mà động tác tương đối nguy hiểm, đòi hỏi người nhảy phải hết sức khéo léo, nhanh nhẹn và có lòng dũng cảm. Người ta lấy một thanh tre, cuốn thành vòng có đường kính khoảng một mét và đặt trên một khung gỗ. Trên vòng tròn đó được gắn bốn con dao nhọn ở bốn phía và mũi dao hướng vào tâm vòng tròn. Khi nhảy có hai người đứng hai bên làm nhiệm vụ hỗ trợ, người nhảy chạy lấy đà, hai tay duỗi thẳng ra phía trước và lao qua vòng tròn rồi gập đầu lộn xuống đất. Trong trường hợp người nhảy lúng túng hoặc có dấu hiệu nguy hiểm thì hai người hỗ trợ nhanh chóng rút con dao ra để đảm bảo sự an toàn cho người nhảy. 
3.     Kết luận
Tục múa sư tử là môn thể thao nghệ thuật thể hiện tinh thần võ học, lòng dũng cảm của đồng bào Tày - Nùng. Những người múa sư tử đều biết múa võ, đánh quyền dân tộc.
Tục múa sư tử phần nào nói lên cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên như: Sư tử, đười ươi (báo đông), khỉ (nả lình)... đồng thời điều này cũng nói lên quá trình chinh phục tự nhiên của đồng bào Tày - Nùng.
Tục múa sư tử thể hiện sự tài hoa của đồng bào khi dùng âm nhạc một cách tài tình, những người múa sư tử thường ngày là những người nông dân "Chân lấm tay bùn" chăm chỉ làm ăn nhưng khi họ đã hòa mình vào tục múa sư tử thì họ đã trở thành những nghệ sĩ thực thụ.
Tri thức bản địa cùng với trình độ phát triển văn hóa, trình độ sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người Tày - Nùng, tục múa sư tử cũng thể hiện qua sự sáng tạo điệu múa dân gian giàu bản sắc dân tộc.
Tục múa sư tử còn thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa tộc người Tày và Nùng ở Lạng Sơn, đồng thời nói lên mẫu hình giao lưu văn hóa sống động, đặc biệt là với văn hóa Việt và văn hóa Hán.
Tuy nhiên hiện nay tục múa sư tử đã phần nào bị mai một ở một số địa phương, múa sư tử bây giờ ngày càng kém hấp dẫn vì các tiết mục biểu diễn đơn điệu. Thậm chí một số nơi bây giờ đã chính thức mất hẳn tục múa sư tử, cụ thể ở xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cách đây 30 năm làng nào cũng có sư tử, thế nhưng bây giờ chỉ còn thôn Nà Sla duy trì được tục múa sư tử.
Dù còn giữ được sư tử nhưng ở các ngày hội lồng tồng sư tử ít tham gia múa (chỉ còn múa ở hội lồng tồng Nà Lệnh 10/1 âm lịch, hội chùa Bắc Nga 15/01 âm lịch, hội Đầu Pháo 22/01 và 27/1 âm lịch, hội lồng tồng Nà Sla 03/02 âm lịch), nếu có tham gia thì cũng chỉ múa sư tử đơn thuần thôi chứ không còn duy trì tiết mục đi cùng như: múa võ, nhảy qua vòng dao, nhảy qua vòng lửa, nhảy qua vòng tẹm, nhảy bàn... Hiện nay trong dù trong hội có múa sư tử thì cũng thường chỉ có một con sư tử khác múa nên rất đơn điệu, kém hấp dẫn, ngoại trừ hội đầu pháo và hội chùa Bắc Nga mấy năm gần đây được sở văn hóa tỉnh Lạng Sơn tổ chức thi sư tử.
Phụ lục và tài liệu tham khảo
Tài liệu tham khảo
1.     Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.
2.     Bế Viết Đẳng, Dân tộc học Việt Nam định hướng và thành tựu nghiên cứu (1973 - 1998), Nxb Khoa học Xã hội, H.2006.
3.     Hoàng Nam, Dân tộc Nùng ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.1992.
4.     Nhiều tác giả, Kho tàng lễ hội cổ truyền việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.2000.
5.     Hoàng Văn Páo, Cao Thị Hải, Lễ hội dân gian dân tộc Tày, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.2012.
6.     Ngô Đức Thịnh, Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H.2006.
7.     Hà Văn Thư, Lã Văn Lô, Văn hóa Tày - Nùng, Nxb Văn hóa, H.1984
8.     Mã Thế Vinh, Lạng Sơn vùng đất của Chi Lăng – Đồng Đăng – Kỳ Lừa, Nxb Trẻ, 2012.




[1] Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.
[2] Mã Thế Vinh, Lạng Sơn vùng đất của Chi Lăng – Đồng Đăng – Kỳ Lừa, Nxb Trẻ, 2012, tr.128.
[3] Nhiều tác giả, Kho tàng lễ hội cổ truyền việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.2000, tr.196.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét